Trang chủ » Kiến Thức Y Khoa » THAI NGOÀI TỬ CUNG – NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

THAI NGOÀI TỬ CUNG – NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Kim Dung, thuộc Khoa Sản phụ khoa, hiện nay là Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Phụ sản MêKông. Bác sĩ Nguyễn Kim Dung có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là một tình trạng sản khoa rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến khả năng sinh sản và tính mạng của người mang thai. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của thai ngoài tử cung và tiến hành thăm khám, điều trị kịp thời là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của sản phụ. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng Bác sĩ Nguyên Kim Dung trả lời những câu hỏi thường gặp về tình trạng thai ngoài tử cung, để đưa ra những phương án xử lý kịp thời nhằm bảo vệ sức khoẻ của sản phụ.

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã được thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung. Hơn 90% các trường hợp xảy ra ở ống dẫn trứng, khi thai phát triển sẽ dẫn đến vỡ ống dẫn trứng. Tình trạng này sẽ gây xuất huyết nội (chảy máu trong ổ bụng) nghiêm trọng, đe dọa mạng sống và cần phải phẫu thuật ngay lập tức.

Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã được thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, hoặc các vấn đề về cấu trúc như dị tật và hẹp ống dẫn trứng. Những phụ nữ từng trải qua nạo phá thai, có u nang buồng trứng, hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có khả năng cao gặp phải tình trạng này so với người bình thường.

Các yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung

Các yếu tố nguy cơ cho thai ngoài tử cung bao gồm:

  • Tiền căn thai ngoài tử cung
  • Tiền căn phẫu thuật ống dẫn trứng
  • Tiền căn phẫu thuật vùng chậu và ổ bụng
  • Đang nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (STIs)
  • Viêm vùng chậu
  • Lạc nội mạc tử cung

Các yếu tố khác gây tăng nguy cơ thai ngoài tử cung ở người phụ nữ bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Trên 35 tuổi
  • Tiền căn vô sinh
  • Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IVF
Thai ngoài tử cung
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung mà phụ nữ không biết đến

Khoảng 50% phụ nữ mắc phải thai ngoài tử cung không biết đến các yếu tố nguy cơ này. Những người có hoạt động tình dục thường xuyên cần cảnh giác về những thay đổi trong cơ thể, đặc biệt khi có những triệu chứng của thai ngoài tử cung.

Triệu chứng của thai ngoài tử cung là gì?

Ở những giai đoạn đầu, người có thai ngoài tử cung có 3 triệu chứng thường gặp của thai nghén như trễ kinh, căng ngực và nghén. Những dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo bất thường
  • Đau vùng bụng dưới
  • Đau nhẹ ở vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Co thắt nhẹ một bên hố chậu
Thai ngoài tử cung
Nghén là 1 trong 3 yếu tố của thai ngoài tử cung

Ở giai đoạn này, rất khó để phân biệt liệu bạn có thai bình thường hay thai ngoài tử cung. Nếu có bất kì dấu hiệu xuất huyết bất thường hay đau vùng chậu, hãy liên hệ bệnh viện Phụ sản Mêkông để được tư vấn và thăm khám.

Khi thai ngoài tử cung tiến triển thêm, những triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện, đặc biệt khi ống dẫn trứng bị vỡ. Triệu chứng bao gồm:

  • Cơn đau đột ngột, dữ dội vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Đau vai
  • Mệt mỏi, choáng váng hoặc ngất xỉu

Ống dẫn trứng bị vỡ dẫn đến tình trạng xuất huyết nội nghiêm trọng. Nếu gặp phải những triệu chứng nêu trên, bạn cần đi tới phòng cấp cứu.

Có thể bạn quan tâm: SAU MỔ LẤY THAI: SINH NGÃ ÂM ĐẠO HAY MỔ LẤY THAI LẠI?

Thai ngoài tử cung được chẩn đoán như thế nào?

Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung được chẩn đoán như thế nào?

Trong các trường hợp nghi ngờ thai ngoài tử cung, nếu thai phụ không có các triệu chứng của vỡ ống dẫn trứng, nhưng nếu nghi ngờ thai phụ mắc phải thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện:

  • Khám vùng chậu
  • Siêu âm để xác định vị trí thai (thường sử dụng phương pháp siêu âm qua ngã âm đạo)
  • Xét nghiệm nồng độ nội tiết thai kỳ, gọi là hCG

Thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào?

thai ngoài tử cung không thể di chuyển vào tử cung, việc can thiệp y tế là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của thai phụ. Hiện nay, có hai phương pháp chính để điều trị thai ngoài tử cung:

Điều Trị Nội Khoa:

  • Thuốc Methotrexate: Thuốc này được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào thai, giúp cơ thể hấp thụ và loại bỏ chúng. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp phát hiện sớm, khi túi thai còn nhỏ và chưa gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Methotrexate là một phương pháp ít xâm lấn, không cần phẫu thuật và giúp bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ.

Điều Trị Ngoại Khoa:

  • Phẫu Thuật: Khi túi thai đã lớn hoặc gây ra các biến chứng như vỡ ống dẫn trứng và xuất huyết nội, phẫu thuật là cần thiết. Phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua nội soi (phương pháp ít xâm lấn) hoặc phẫu thuật mở bụng, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ túi thai và có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ống dẫn trứng nếu cần thiết.

Cả hai phương pháp điều trị đều nhằm mục đích loại bỏ túi thai ngoài tử cung và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Quyết định sử dụng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, kích thước và vị trí của túi thai, cũng như các yếu tố sức khỏe tổng quát khác. Sau khi điều trị, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận để đảm bảo sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Loại thuốc nào được sử dụng trong điều trị nội khoa?

Sản phụ thường được chỉ định tiêm Methotrexate. Đây là một loại thuốc ngăn chặn sự phát triển của tế bào, dẫn đến ngưng phát triển khối thai.

Thai ngoài tử cung
Thuốc Methotrexate được dùng trong điều trị nội khoa

Trước khi tiêm, sản phụ sẽ được xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG và kiểm tra chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Nếu sau liều đầu tiên, nồng độ hCG chưa giảm đủ, sản phụ sẽ được chỉ định thêm một liều Methotrexate nữa. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân cho đến khi hCG âm tính.

Khoảng 4 – 6 tuần sau khi tiêm thuốc, khối thai sẽ biến mất. Phương pháp này tránh được cắt bỏ ống dẫn trứng.

Những điều cần kiêng làm khi sử dụng Methotrexate

Dưới đây là một số việc bệnh nhân cần hạn chế trong thời gian sử dụng Methotrexate:

  • Tập luyện cường độ cao
  • Quan hệ tình dục
  • Sử dụng thực phẩm giàu acid folic như ngũ cốc, bánh mì, các loại hạt,…
  • Sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen. Các thuốc này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Methotrexate trong cơ thể.
  • Sử dụng thực phẩm có gas vì gây khó chịu hoặc che lấp các triệu chứng đau của thai ngoài tử cung vỡ.
  • Tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời vì Methotrexate có thể gây nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Khi nào cần phẫu thuật trong điều trị thai ngoài tử cung?

Thai ngoài tử cung
Khi nào cần phẫu thuật trong điều trị thai ngoài tử cung?

Bệnh nhân cần phẫu thuật khi ống dẫn trứng bị vỡ, đây là phẫu thuật cấp cứu. Đôi khi, sản phụ được chỉ định phẫu thuật dù ống dẫn trứng chưa bị vỡ. Trong những trường hợp này, bác sĩ xẻ ống dẫn trứng lấy khối thai hoặc cắt toàn bộ ống dẫn trứng chứa khối thai đó.

Bệnh nhân sẽ cảm thấy như thế nào sau khi điều trị?

Dù được chỉ định thuốc Methotrexate hay phẫu thuật, người bệnh đều cảm thấy mệt mỏi trong một vài tuần hồi phục. Các triệu chứng thường gặp có thể là đau hoặc khó chịu vùng bụng. Nếu có các biểu hiện bất thường, hãy báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám.

Thai ngoài tử cung
Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi sau khi dùng thuốc Methotrexate hay phẫu thuật trong vài tuần

Việc giảm hCG trong cơ thể người bị thai ngoài tử cung sẽ mất một thời gian nên họ sẽ tiếp tục có những cảm giác mang thai một khoảng thời gian nữa. Có thể mất một vài tháng để chu kỳ kinh quay trở lại bình thường.

Tiền căn mang thai ngoài tử cung có ảnh hưởng đến việc mang thai trong tương lai không?

Tiền sử thai ngoài tử cung sẽ tăng nguy cơ mắc thai ngoài tử cung ở những lần mang thai tiếp theo. Bạn nên chú ý các dấu hiệu và triệu chứng, đồng thời thăm khám bác sĩ để kiểm tra liệu thai có làm tổ ở đúng vị trí hay không.

(Bài viết dựa trên thông tin dành cho bệnh nhân của hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *