Trang chủ » Kiến Thức Y Khoa » SAU MỔ LẤY THAI: SINH NGÃ ÂM ĐẠO HAY MỔ LẤY THAI LẠI?

SAU MỔ LẤY THAI: SINH NGÃ ÂM ĐẠO HAY MỔ LẤY THAI LẠI?

Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Phương Uyên, thuộc Khoa Sản phụ khoa, hiện tại đang là Phó Trưởng Khoa Khám Bệnh tại Bệnh viện Phụ sản MêKông. Bác sĩ Lê Thị Phương Uyên có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Nếu bạn đã từng sinh mổ và đang mang thai lần nữa, bạn có thể đang băn khoăn giữa việc nên mổ lấy thai lại hay thử sinh ngã âm đạo. Đây là một quyết định khá khó khăn cho bạn do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi phương án đều có những ưu và nhược điểm riêng mà bạn cần phải cân nhắc. Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật lớn, và việc mổ nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng. Tuy nhiên, sinh ngã âm đạo sau khi đã từng sinh mổ (VBAC) cũng có nguy cơ gây vỡ sẹo mổ cũ trên tử cung, một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Mổ lấy thai

Quyết định này cũng mang tính cá nhân, phụ thuộc vào nguyện vọng và tiền sử sức khỏe của mỗi người. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ cân nhắc các yếu tố quan trọng sau đây để quyết định xem thai phụ có phù hợp để sinh ngã âm đạo sau khi đã từng sinh mổ hay không.

Loại sẹo từ mổ lấy thai ở lần mổ trước là gì?

Khi thực hiện mổ lấy thai (MLT), bác sĩ sẽ rạch qua da, cơ và thành tử cung. Vết mổ có thể theo đường ngang hoặc đường dọc, và loại vết mổ trên tử cung có ảnh hưởng lớn đến những lần sinh sau này.

Mổ lấy thai
Sẹo vết mổ lấy thai có thể theo đường ngang hoặc đường dọc

Hiện nay, hầu hết các vết mổ trên tử cung là đường mổ ngang ở đoạn dưới tử cung. Loại sẹo mổ này có nguy cơ vỡ tử cung thấp và có thể thử sinh ngã âm đạo. Tuy nhiên, với vết mổ dọc trên tử cung, nguy cơ vỡ tử cung cao hơn, do đó không khuyến khích sinh ngã âm đạo.

Vết mổ trên da khác với vết mổ trên tử cung. Nếu bạn không chắc mình có loại vết mổ gì, hãy hỏi bác sĩ hoặc kiểm tra hồ sơ mổ cũ của bạn.

Xem thêm: NHỮNG ĐIỀU SẢN PHỤ SAU SANH SAU MỔ CẦN BIẾT ….. !!!!

Tình huống dẫn đến việc mổ sinh lần trước là gì?

Có nhiều lý do khác nhau để phải mổ sinh. Bệnh sử của lần mổ sinh trước có thể giúp quyết định cho lần sinh này.

Mổ lấy thai
Có nhiều lý do khác nhau để phải mổ sinh

Nếu lần đầu tiên bạn phải mổ sinh do thai ngôi mông và không có cơ hội sinh thường, thì lần mang thai này nếu thai ngôi đầu, bạn có thể thử sinh ngã âm đạo. Tuy nhiên, nếu lần mổ trước là do chuyển dạ kéo dài hoặc đình trệ (thường do cổ tử cung không mở thêm), khả năng cao là tình trạng này sẽ lặp lại, vì vậy mổ sinh lại có thể được ưu tiên hơn.

Tình trạng sức khỏe của bạn có nguy hiểm khi sinh ngã âm đạo?

Một số bệnh lý có thể làm giảm cơ hội thành công khi sinh ngã âm đạo sau mổ lấy thai (VBAC), bao gồm béo phì và tiền sản giật. Nếu thai to hoặc tuổi thai trên 40 tuần, việc sinh ngã âm đạo sẽ khó khăn hơn. Tương tự, nếu khoảng cách giữa lần sinh mổ trước và lần này dưới 19 tháng, việc sinh mổ lại sẽ được khuyến khích hơn so với thử VBAC.

Mổ lấy thai
Sinh ngã âm đạo có ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ hay không?

Sinh ngã âm đạo cũng không được khuyến khích trong trường hợp có bất thường của bánh nhau, chẳng hạn như nhau tiền đạo. Trong tình huống này, mổ lấy thai chủ động là cần thiết, bất kể tiền căn thai sản.

Bạn cần khởi phát chuyển dạ?

Khởi phát chuyển dạ trong trường hợp VBAC có thể làm tăng nguy cơ vỡ tử cung. Vì vậy, nếu cần phải khởi phát chuyển dạ, mổ lấy thai lại sẽ an toàn hơn.

Mổ lấy thai

Tuy nhiên, nếu bạn vào chuyển dạ tự nhiên trước lịch dự kiến mổ lấy thai, thì việc thử sinh ngã âm đạo có thể là lựa chọn tốt hơn. Trong trường hợp này, bạn và thai nhi sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem có cần thiết phải mổ lấy thai lại hay không.

Bạn dự định sinh bao nhiêu con?

Mổ lấy thai
Nếu dự định sinh ít con, bạn có thể chủ động sử dụng phương pháp mổ lấy thai

Việc mổ lấy thai lặp lại làm tăng nguy cơ biến chứng. Nếu bạn dự định sinh nhiều con, nên thử sinh ngã âm đạo nếu có thể. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có kế hoạch sinh hai con, việc chọn mổ lấy thai chủ động lại có thể là lựa chọn phù hợp.

Xem thêm: GIẢM ĐAU SAU SANH MỔ SANH 24 GIỜ BẰNG MORPHINE TỦY SỐNG

Nguồn lực của bệnh viện bạn chọn?

Sinh ngã âm đạo sau mổ lấy thai ngày càng phổ biến và an toàn khi có các điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng có khả năng thực hiện VBAC một cách an toàn, đặc biệt là khi cần cấp cứu vỡ tử cung.

Mổ lấy thai
Nếu bạn muốn sinh ngã âm đạo sau mổ lấy thai, bạn có thể chọn bệnh viện phụ sản Mê Kông

Nếu bạn muốn thử sinh ngã âm đạo sau MLT, hãy chọn bệnh viện có đủ nguồn lực để xử trí các biến chứng khẩn cấp. Những nguồn lực cần thiết bao gồm khoa gây mê hồi sức hoạt động 24/7, ngân hàng máu, đơn vị chăm sóc tích cực và đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh.

Chọn lựa nào làm bạn thoải mái?

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là quan điểm cá nhân của bạn. Nhiều thai phụ rất mong muốn trải nghiệm quá trình sinh con ngã âm đạo, vì vậy họ sẽ lựa chọn VBAC. Tuy nhiên, có những thai phụ cảm thấy thoải mái hơn khi lựa chọn mổ lấy thai lặp lại.

Trải nghiệm khó khăn trong quá trình sinh lần trước sẽ ảnh hưởng đến quyết định sinh con trong thai kỳ và lần sinh sau. Ví dụ, nếu bạn đã từng trải qua một cuộc chuyển dạ kéo dài và kết thúc bằng mổ lấy thai, có thể bạn sẽ không sẵn lòng thử sinh ngã âm đạo lần nữa.

Kết luận

Nếu bạn đang mang thai và có sẹo mổ sinh từ lần trước, hãy thảo luận với bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông về các câu hỏi này. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng giữa ưu điểm và nguy cơ của từng phương pháp. Đây là một quá trình thảo luận kéo dài từ khi bắt đầu thai kỳ cho đến khi gần đến thời điểm sinh. Quyết định giữa việc thử sinh ngã âm đạo sau mổ lấy thai và mổ lấy thai lại là tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Quan trọng nhất là lựa chọn nào làm bạn cảm thấy thoải mái và được hỗ trợ trong suốt quá trình thai kỳ và sinh nở.

(Bài viết này được tham khảo từ Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ.)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *