Trang chủ » Tin tức » ĐAU MẮT ĐỎ – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

ĐAU MẮT ĐỎ – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

ĐAU MẮT ĐỎ – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là thuật ngữ thông dụng để chỉ tình trạng viêm kết mạc. Bệnh thường bùng phát đột ngột, ban đầu ảnh hưởng đến một mắt rồi lan sang mắt còn lại. Đây là bệnh thường xuất hiện vào thời điểm chuyển mùa từ hè sang thu hàng năm, dễ lan truyền trong cộng đồng và có thể gây ra các đợt dịch.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ

Người mắc bệnh đau mắt đỏ thường biểu hiện rõ rệt các triệu chứng như: mắt đỏ, ngứa, tiết nước mắt nhiều, chảy nước mắt, cảm giác như có vật lạ trong mắt, đau nhức mi mắt, và sưng nề. Ngoài ra, một số người có thể gặp các dấu hiệu như đau họng, ho, hạch bạch huyết sau tai, mệt mỏi và sốt nhẹ.

Các nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ thường do virus như Adeno và Entero gây ra, trong khi các virus như Herpes simplex và Zoster ít phổ biến hơn. Bệnh thường tự khỏi trong khoảng 7-14 ngày.

Đau mắt đỏ
Nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ

Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể là vi khuẩn như Neisseria Gonorrhoeae, Corynebacterium diphtheriae, Streptococcus pyogenes, và các vi khuẩn khác như Neisseria meningitidis, gây ra các trường hợp hiếm gặp.

Cũng có trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng với bụi, xà phòng, phấn hoa, lông động vật và các tác nhân gây dị ứng khác. Những người bị dị ứng này nên tránh tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây dị ứng hoặc loại bỏ chúng khỏi môi trường tiếp xúc của mình.

Những ai dễ mắc bệnh đau mắt đỏ?

Bệnh đau mắt đỏ có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng nó đặc biệt dễ lây lan và thường xuất hiện vào thời điểm chuyển mùa từ hè sang thu.

Lây nhiễm đau mắt đỏ thông qua những cách nào?

Bệnh đau mắt đỏ do virus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ người bệnh khi nói chuyện hoặc hắt hơi.

Ngoài ra, bạn có thể bị lây nhiễm khi chạm vào dụng cụ cá nhân như điện thoại, nút bấm cầu thang máy, chìa khóa, tay nấm cửa, gối, khăn mặt, bàn chải đánh răng, đồ chơi… nơi có mầm bệnh.

Nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên nếu bạn thường xuyên chạm tay vào mũi, miệng hoặc dụi mắt.

Biến chứng của đau mắt đỏ

Bệnh thường tự khỏi trong 7-10 ngày nhưng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm giác mạc, loét giác mạc, thậm chí mù lòa đối với một số người lớn và trẻ em nếu không điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ

Ở nhà, bạn nên chườm lạnh để giảm sưng mi và khó chịu, rửa mặt và tay thường xuyên với xà phòng. Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân như ly, bát, khăn mặt… và hạn chế dụi mắt, không đi bơi. Nên nghỉ học hoặc công việc trong ít nhất 1 tuần.

Khi cần điều trị tại bệnh viện, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bạn để kê đơn thuốc phù hợp. Đối với bệnh đau mắt đỏ do virus, không cần dùng kháng sinh nhưng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đôi khi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như acyclovir để điều trị các trường hợp nghiêm trọng hơn.

Đối với bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn, bạn cần uống thuốc và sử dụng thuốc mỡ theo chỉ định của bác sĩ. Triệu chứng thường bao gồm đau mắt, mắt đỏ với nhiều mủ, màu vàng xanh và kéo dài suốt cả ngày. Tuy nhiên, không phải các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn đều xuất hiện triệu chứng như vậy.

Nếu đau mắt đỏ là do dị ứng, sử dụng thuốc kháng histamin có thể giúp giảm đau mắt và các triệu chứng liên quan, nhưng có thể gây khô mắt.

Cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ

     Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần thực hiện

  1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
  2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
  3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
  4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
  6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
  7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
  8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Nguồn: HCDC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *