Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Phương Uyên, Hiện là Phó Trưởng Khoa Khám Bệnh tại Bệnh viện Phụ sản MêKông. Bác sĩ Lê Thị Phương Uyên có 20 năm kinh nghiệm chuyên môn.
Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đứng thứ tư trong danh sách các loại ung thư ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều đáng mừng là ung thư cổ tử cung hiện nay đã trở thành một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa hiệu quả nhất. Với sự phát triển của y học hiện đại, chúng ta đã có những phương pháp tầm soát ung thư CTC và phòng ngừa rất hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Tầm soát ung thư CTC là gì?
Tầm soát ung thư CTC là một biện pháp y tế quan trọng nhằm phát hiện những biến đổi bất thường trên tế bào cổ tử cung có thể dẫn đến ung thư. Quy trình tầm soát này bao gồm việc thực hiện các xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (còn gọi là Pap test hoặc Pap smear), xét nghiệm phát hiện virus gây u nhú ở người (HPV), hoặc kết hợp cả hai phương pháp này.
Pap test là một phương pháp xét nghiệm tế bào học, trong đó bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào bất thường. Những tế bào bất thường này có thể là dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Đây là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung truyền thống và đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ qua.
Xét nghiệm HPV là phương pháp kiểm tra sự hiện diện của virus HPV, một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. HPV là một loại virus rất phổ biến và có nhiều chủng khác nhau, trong đó một số chủng có nguy cơ cao gây ung thư. Việc phát hiện sớm sự hiện diện của virus HPV giúp bác sĩ có thể theo dõi và quản lý nguy cơ phát triển ung thư ở bệnh nhân.
Ung thư CTC xảy ra như thế nào?
CTC là lổ mở của tử cung và nằm ở đỉnh tận cùng của âm đạo. CTC được bao phủ bởi một lớp mô mỏng cấu tạo bởi 2 loại tế bào: 1) tế bào “giống da” gọi là tế bào vảy hay tế bào lát và 2) tế bào tuyến tạo nên chất nhầy CTC.
Ung thư xảy ra khi tế bào CTC trở nên bất thường và ngày càng phát triển quá mức. Tế bào ung thư xâm nhập sau vào mô CTC. Trong những ca ung thư tiến triển, tế bào ung thư có thể lan đến các cơ quan của cơ thể.
Nguyên nhân gây ung thư CTC?
Hầu hết các trường hợp ung thư CTC là do nhiễm HPV. Đây là một loại virus xâm nhập vào tế bào CTC và gây biến đổi di truyền. Các loại HPV nhất định liên quan đến ung thư CTC cũng như ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và họng. Các dạng HPV có thể gây ra ung thư được gọi là “loại nguy cơ cao”.
Các loại HPV này và những dạng khác lan truyền từ người sang người thông qua hoạt động tình dục. HPV rất phổ biến, gần như tất cả những người tham gia hoạt động tình dục sẽ tiếp xúc với HPV trong suốt cuộc đời. Nhiễm HPV thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy hầu hết mọi người không biết họ đã từng mắc phải.
Nhiễm HPV có luôn dẫn đến ung thư thư CTC?
Chỉ một số nhỏ phụ nữ nhiễm HPV sẽ bị ung thư CTC. Bởi vì cơ thể có khả năng tự nhiên chống lại nhiễm trùng, hầu hết nhiễm HPV sẽ tự đào thải. Những nhiễm trùng ngắn hạn thường gây những biến đổi tế bào CTC nhẹ, hoặc mức độ thấp. Các tế bào sẽ trở lại bình thường khi không còn nhiễm HPV.
Ở một số ít phụ nữ, HPV không bị đào thải. Nếu nhiễm HPV một thời gian dài, được gọi là nhiễm trùng tồn tại lâu. Nhiễm HPV type nguy cơ cao tồn tại lâu có thể gây ra các biến đổi nặng trên tế bào CTC, hoặc mức độ cao. Các biến đổi mức độ cao tồn tại 1 năm hoặc 2 năm dễ trở thành ung thư nếu không được điều trị.
Các yếu tố như hút thuốc lá, hệ miễn dịch suy yếu, và nhiễm HIV được cho là làm tăng nguy cơ nhiễm HPV tồn tại lâu, nhưng nhiễm trùng tồn tại lâu vẫn gặp ở những phụ nữ không có các yếu tố này.
Có thể bạn quan tâm: Phòng ngừa, phát hiện sớm Ung thư vú
Tại sao tầm soát ung thư CTC là quan trọng?
Thường mất từ 3 – 7 năm để các biến đổi mức độ cao trở thành ung thư. Sàng lọc ung thư CTC có thể phát hiện các biến đổi này trước khi trở thành ung thư. Những phụ nữ có các biến đổi thấp sẽ được kiểm tra thường xuyên hơn xem các tế bào có trở lại bình thường không. Những phụ nữ có các biến đổi cao có thể được điều trị loại bỏ các tế bào bất thường này.
Tầm soát ung thư CTC cứu sống nhiều người. Tại Mỹ trong hơn 30 năm qua, số ca ung thư CTC và số tử vong đã giảm một nửa. Đó chính là nhờ kết quả của chương trình tầm soát ung thư CTC định kỳ ở phụ nữ.
Tầm soát ung thư CTC thực hiện như thế nào?
Tầm soát ung thư CTC bao gồm kiểm tra Pap, HPV hoặc cả hai. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng tế bào lấy từ CTC. Quá trình sàng lọc đơn giản và nhanh chóng. Bạn nằm trên bàn khám và được đặt mỏ vịt bộc lộ CTC và phần trên của âm đạo. Tế bào được lấy khỏi CTC bằng 1 chổi hay dụng cụ lấy mẫu. Tế bào được nhúng vào dung dịch chuyên biệt và gởi đến phòng xét nghiệm kiểm tra:
– Xét nghiệm Pap: mẫu được kiểm tra có tế bào bất thường không.
– Xét nghiệm HPV: mẫu được kểm tra có hiện diện type HPV nguy cơ cao thường gặp không. Thông thường, mẫu thử Pap có thể dùng để xét nghiệm HPV. Đôi khi, 2 mẫu tế bào được lấy; tùy thuộc vào loại xét nghiêm Pap.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung là gì? Các rủi ro khi bị ung thư cổ tử cung
Bao lâu tầm soát ung thư CTC một lần và nên làm loại xét nghiệm nào?
Tầm soát ung thư CTC là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Bạn nên bắt đầu tầm soát từ 21 tuổi, bất kể thời điểm quan hệ tình dục lần đầu. Bao lâu tầm soát ung thư CTC một lần và nên làm loại xét nghiệm nào tùy thuộc vào độ tuổi và tiền sử sức khỏe:
- Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV có thể cân nhắc cho lứa tuổi từ 25 – 29 tuổi, nhưng ưu tiên Pap hơn.
- Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi có 3 lựa chọn xét nghiệm: có thể làm bộ đôi (cả Pap và HPV) mỗi 5 năm, có thể làm Pap mỗi 3 năm, hoặc HPV mỗi 5 năm.
- Khi nào có thể ngừng tầm soát ung thư CTC?
Phụ nữ nên ngưng tầm soát ung thư CTC sau tuổi 65 nếu:
- Không có tiền sử bất thường tế bào CTC trung bình hoặc nặng, hoặc ung thư CTC; và
- Có kết quả xét nghiệm Pap âm tính 3 lần liên tục, 2 lần xét nghiêm HPV âm liên tục, hoặc 2 lần xét nghiệm bộ đôi âm tính liên tục trong vòng 10 năm qua. Xét nghiệm gần nhất được làm trong vòng 3 – 5 năm.
Đã cắt tử cung, có cần tầm soát ung thư CTC?
Phụ nữ đã cắt tử cung vẫn có thể cần tầm soát. Tùy thuộc vào việc CTC có bị cắt không, tại sao phải cắt tử cung, và có tiền sử biến đổi tế bào CTC nặng hay ung thư CTC không.
Thậm chí cả khi CTC đã bị cắt, tế bào CTC vẫn còn hiện diện ở cùng đồ âm đạo. Nếu có tiền sử ung thư CTC hoặc biến đổi tế bào mức độ nặng, nên tiếp tục tầm soát thêm khoảng 20 năm sau phẫu thuật.
(Thông tin được tổng hợp từ Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ)