Trang chủ » Tin tức » Truyền thông giáo dục sức khỏe » Chăm sóc mẹ và bé » Da kề da sau sinh: Lợi ích không ngờ từ “cái ôm đầu tiên của mẹ”

Da kề da sau sinh: Lợi ích không ngờ từ “cái ôm đầu tiên của mẹ”

Nội dung bài viết

DA KỀ DA SAU SANH: LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ TỪ “CÁI ÔM ĐẦU TIÊN CỦA MẸ”

Tiếp xúc da kề da sau khi sinh đã được khoa học chứng minh là mang đến nhiều lợi ích cho cả em bé và cha mẹ.

Hiện nay, phương pháp này đã được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ… và nhiều tổ chức y tế, bệnh viện hay trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên thế giới.

DA KỀ DA SAU SANH LÀ GÌ?

Tiếp xúc da kề da sau sinh là đặt em bé đã được lau khô nằm trực tiếp trên ngực trần của mẹ sau khi sinh, cả hai được đắp trong một chiếc chăn ấm và để yên trong ít nhất 90 phút hoặc cho đến sau lần bú đầu tiên.

10 LỢI ÍCH DIỆU KỲ CỦA DA KỀ DA SAU SANH

Sữa non về, trẻ được bú sớm: Bản năng tự nhiên của trẻ sơ sinh giúp trẻ xác định vị trí, ngậm và bú mẹ ngay khi trẻ được tiếp xúc gần gũi với mẹ. Điều này sẽ kích thích quá trình tạo và tiết sữa giúp trẻ được bú sớm, hưởng trọn những giọt sữa non đầu đời.

Hỗ trợ điều hòa lượng đường trong máu: Chăm sóc da kề da sau sinh giúp kích thích sữa mẹ về sớm, bé được bú sớm giúp hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu để tạo năng lượng.

Hỗ trợ cải thiện chức năng tim và phổi của bé: Những trẻ sơ sinh được da kề da với mẹ có xu hướng thích nghi sớm với môi trường bên ngoài tử cung làm cho nhịp tim và nhịp thở bình thường và ổn định hơn.

Ổn định thân nhiệt cho bé: Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh vẫn chưa có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình. Lúc này, nếu được da kề da, cơ thể người mẹ giống “máy sưởi” tự nhiên giúp sưởi ấm và ổn định thân nhiệt cho bé.

Hỗ trợ kích thích hệ miễn dịch: Trẻ sơ sinh được da kề da có cơ hội phát triển một loạt vi khuẩn lành mạnh. Trẻ được bú sữa non sớm, trong đó chứa một số loại đường phức hợp là thức ăn tốt cho một phân loài vi khuẩn bao bọc thành ruột, hỗ trợ tăng cường chức năng tiêu hóa và bảo vệ khỏi vi khuẩn có hại.

Hỗ trợ kích thích hệ tiêu hóa giúp bé tăng cân khỏe mạnh: Hàm lượng somatostatin và cortisol ở trẻ sẽ giảm đáng kể khi được da kề da. Điều này sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn, bé hấp thu thức ăn tốt hơn và tăng cân đều đặn hơn.

Hỗ trợ kích thích não bộ phát triển tối ưu: Tiếp xúc da kề da giúp hỗ trợ phát triển các đường dẫn truyền thần kinh cần thiết cho sự trưởng thành của não bé. Tiếp xúc này cũng hỗ trợ thúc đẩy sự trưởng thành của các hạch hạnh nhân liên quan tới quá trình hình thành cảm xúc, tạo lập trí nhớ và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm.

Trẻ giảm khóc, giảm đau: Những đứa trẻ được tiếp xúc da kề da sau sinh có xu hướng ít khóc hơn những đứa trẻ bị tách khỏi mẹ. Chăm sóc da kề da làm tăng mức độ nhẹ nhõm ở trẻ giúp giảm đau. Cái ôm của mẹ khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn.

Tăng cường gắn kết giữa mẹ và bé: Tiếp xúc da kề da sau sinh giúp người mẹ nhận biết các tín hiệu của con sớm hơn, cải thiện khả năng giao tiếp và tăng cường sự tự tin của mẹ cũng như giúp trẻ sơ sinh phát triển cảm giác tin cậy và an toàn.

Lợi ích của da kề da đối với mẹ: Da kề da kích thích cơ thể mẹ giải phóng oxytocin, giúp mẹ cảm thấy thư giãn, bớt lo lắng. Hormone này cũng có ích với cơ thể mẹ: hỗ trợ rút ngắn thời gian phục hồi; hỗ trợ giảm huyết áp; tăng khả năng chịu đau; mẹ cảm thấy hạnh phúc hơn, ít rơi vào trầm cảm; sữa về nhiều; tử cung co thắt làm giảm nguy cơ xuất huyết sau sinh.

KHOẢNH KHẮC DIỆU KỲ CỦA CÁI ÔM ĐẦU TIÊN

Sau khi em bé cất tiếng khóc chào đời, được da kề da trên ngực mẹ sẽ nín khóc rất nhanh, cử động rất ít để thư giãn và hồi phục sau sinh.

Sau đó, trẻ bắt đầu thức dậy, mở mắt và phản ứng với giọng nói của mẹ, bé sẽ co đầu gối lên, di chuyển hoặc trườn về phía vú mẹ. Khi đã tìm thấy vú mẹ, bé sẽ nghỉ ngơi một chút và bắt đầu làm quen với vú mẹ bằng cách rúc đầu, ngửi và liếm xung quanh. Lúc này, mẹ cần kiên nhẫn để bé tự tìm cách ngậm bắt vú mẹ sau đó mới giúp nếu cần thiết. Khi trẻ đã bú được một khoảng thời gian, bé sẽ nhả miệng khỏi vú mẹ và thường thì cả mẹ và con đều ngủ thiếp đi.

Nguồn: Bộ Y tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *