PHỤ NỮ MANG THAI NHIỄM HIV SINH CON CÓ MẮC BỆNH KHÔNG?
Hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 – 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 2%.
ThS. Nguyễn Thị Thu Nghĩa – Trưởng khoa Sản 3, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền và có khả năng làm mẹ nếu như được tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và áp dụng các cách đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
“Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện…” – ThS. Nguyễn Thị Thu Nghĩa nói.
Tại BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã từng tiếp nhận khám, đỡ đẻ cho nhiều sản phụ nhiễm HIV; trong đó có nhiều sản phụ nhiễm HIV đang điều trị thuốc hoặc nghi ngờ nhiễm HIV – phát hiện nhờ xét nghiệm sàng lọc tại viện.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các chương trình quốc gia dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm ba chiến lược đồng thời:
Phòng ngừa nhiễm HIV nguyên phát ở phụ nữ mang thai;
Ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn ở phụ nữ nhiễm HIV;
Các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hai chiến lược đầu tiên thường đạt được thông qua các phương pháp tránh thai và thay đổi hành vi, trong khi chiến lược thứ ba liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho phụ nữ nhiễm HIV và con của họ và là trọng tâm của hầu hết các chương trình lây truyền lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.