Mùa Đông Xuân luôn mang theo những biến đổi khí hậu bất thường, khiến cho tình hình thời tiết trở nên phức tạp và khó lường. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ. Điều đáng lo ngại là nhiều trường hợp nhiễm cúm A không chỉ dừng lại ở các triệu chứng thông thường mà còn tiến triển nặng, dẫn đến suy hô hấp nghiêm trọng và cần phải sử dụng đến máy thở.
Sự gia tăng đột biến này đặt ra những thách thức lớn đối với các cơ sở y tế cũng như đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ các bậc phụ huynh để bảo vệ sức khỏe của con em mình trong mùa dịch bệnh. Việc nắm vững kiến thức về phòng chống cúm A và tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe sẽ là những yếu tố then chốt giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Bệnh cúm A là gì?
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H1N1, A/H3N2.
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi…
Dấu hiệu để nhận biết bệnh cúm A
Để nhận biết cúm A, chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra 6 dấu hiệu thường gặp:
- Đau họng và ho;
- Hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
- Sốt và ớn lạnh;
- Nhức đầu và nhức mỏi cơ thể;
- Cảm thấy mệt mỏi;
- Có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy.
“Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì nếu bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong”- TS.BS Nguyễn Văn Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác.
Chính vì vậy, theo chuyên gia, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Những lưu ý khi bị bệnh cúm A
TS.BS Nguyễn Văn Lâm lưu ý thêm các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khẩn cấp khi trẻ:
- Sốt cao liên tục từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật;
- Khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường;
- Đau ngực hoặc đau cơ dữ dội;
- Tím môi và đầu chi, tay chân lạnh;
- Trẻ li bì, mệt mỏi, khó ăn, nôn trớ nhiều… thì cần đưa trẻ nhập viện khẩn cấp.
“Thông thường trẻ bị cúm A thường diễn biến nhẹ, phục hồi sau 5-7 ngày, tuy nhiên vối trẻ dưới 5 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, cúm A có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn thứ phát và làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong” – TS.BS Nguyễn Văn Lâm nói.
Hướng dẫn phòng bệnh cúm A
Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất, bù đủ nước; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý tiêm Vaccine là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ khỏi virus cúm A cũng như nhiều bệnh lý khác nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường này.
(Nguồn: Sức khỏe và đời sống, Bộ Y tế.)