Skip to content
Ngày 23/4/2025, đội ngũ Y Bác sĩ tại BỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÊKÔNG đã phối hợp cấp cứu thành công một ca sản giật nguy kịch, nhau bong non, kịp thời cứu sống cả sản phụ và thai nhi, mang lại niềm vui và sự xúc động lớn cho gia đình bệnh nhân cùng toàn thể ê-kíp y tế.
Sản phụ là chị D.T.P.T, 28 tuổi, trú tại TP. HCM, khám thai ngoại viện từ đầu thai kỳ. Lúc 09g10 ngày 23.4.2025, khi thai 35 tuần 2 ngày thì chị P.T đến Bệnh viện Phụ sản MêKông kiểm tra tình trạng thai sản. Vừa đến Bệnh viện thì chị P.T được phát hiện có tình trạng run tay, cứng người, ý thức lơ mơ; huyết áp tăng cao – một trong những biểu hiện điển hình của bệnh lý sản giật, một biến chứng sản khoa nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi nếu không được xử trí kịp thời.
Ngay lập tức, ê-kíp Y Bác sĩ tại phòng Khám và phòng Cấp cứu đã nhận diện được tình trạng bệnh, nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, ổn định huyết áp, kiểm soát cơn co giật và lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Các bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức và nhi khoa đã vào cuộc, phối hợp thực hiện ca mổ lấy thai khẩn cấp.
Chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút từ khi nhập viện, đến 09g24 cùng ngày, em bé đã được đưa ra ngoài an toàn. Bé trai chào đời với cân nặng 2.000 gram, hồng hào, khóc to. Bánh nhau đã bong 1 phần khi thai còn trong bụng mẹ. Bé được chuyển ngay đến đơn vị sơ sinh để theo dõi. Sản phụ sau phẫu thuật cũng dần ổn định, thoát khỏi tình trạng nguy kịch và đang hồi phục tốt.
BS.CKI. Nguyễn Bích Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản MêKông, người trực tiếp tham gia quá trình cấp cứu chia sẻ: “Đây là một ca bệnh sản giật diễn tiến nhanh và dễ gây biến chứng nặng nếu không xử trí kịp thời. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của êkip và quy trình cấp cứu chặt chẽ, Bệnh viện đã giành lại được sự sống cho cả mẹ và bé.
Các thai phụ lưu ý: Sản giật được gọi là kẻ giết người thầm lặng trong thai kỳ. Sản giật là biến chứng nặng của tiền sản giật, có thể xảy ra trong thai kỳ, khi chuyển dạ hoặc sau sinh. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, sản giật có thể dẫn đến hôn mê, suy đa cơ quan, tử vong cả mẹ và bé. Thai phụ cần theo dõi thai kỳ định kỳ, đặc biệt lưu ý các dấu hiệu bất thường như: phù tay chân, tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt, co giật… để được phát hiện và xử lý kịp thời. Sản giật tuy nguy hiểm nhưng có thể ngăn ngừa và kiểm soát nếu được theo dõi sát sao từ đầu thai kỳ”
Hiện tại, tình hình sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định. Khi Ban Lãnh đạo Bệnh viện đến thăm hỏi sức khỏe, chị P.T cho hay “Tôi từng tham khảo nhiều tài liệu về tiền sản giật, sản giật…nhưng không bao giờ nghĩ bản thân mình sẽ gặp phải tình trạng này. Rất may mắn khi đến Bệnh viện Phụ sản MêKông, tôi và con đã được các Y bác sĩ cứu sống, có thể nói như được sinh ra thêm một lần nữa. Gia đình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản MêKông đã tận tâm, tận lực trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc”.
Lượt xem: 43