Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Vũ Tuyết Ánh Sao, Hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản MêKông. Bác sĩ Vũ Tuyết Ánh Sao có 23 năm kinh nghiệm chuyên môn.
Rất nhiều phụ nữ, không biết mình đang mang thai, đã tiêm vắc xin mà không hề hay biết về tình trạng của mình. Đồng thời, cũng có những phụ nữ biết mình đang mang thai nhưng vẫn mong muốn được chủng ngừa để bảo vệ bản thân và thai nhi. Điều này dẫn đến câu hỏi lớn trong lòng nhiều người: liệu vắc xin có thực sự an toàn cho phụ nữ mang thai? Quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn có thể tác động sâu rộng đến sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ.
NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN CỦA VẮC-XIN
Tại sao Vắc xin lại quan trọng?
Vắc-xin huấn luyện hệ thống miễn dịch tấn công chuyên biệt các virus và vi khuẩn. Điều này làm cho việc tiêm chủng trở thành một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm virus hay vi khuẩn trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc chuẩn bị có thai, bạn cần tiêm một số loại vắc xin nhất định. Ở từng lứa tuổi như trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và người cao tuổi cũng cần một số loại vắc- xin nhất định.
Vắc-xin được sản xuất như thế nào?
Hầu hết các loại vắc xin đều được làm từ tác nhân gây bệnh bị bất hoạt (hay bị chết), vắc-xin bất hoạt. Một số loại vắc xin được sản xuất từ các bộ phận của mầm bệnh hoặc độc tố bị tiêu diệt do mầm bệnh tạo ra. Những chất này không thể gây bệnh. Hầu hết các loại vắc-xin cũng chứa một số các thành phần khác, bao gồm:
- Nước hoặc chất lỏng khác
• Chất bảo quản và chất ổn định
• Hóa chất được thêm vào để vô hiệu hóa virus hoặc vi khuẩn
• Các chất giúp tạo ra hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn đáp ứng với vắc xin
• Một lượng nhỏ thành phần để tạo thành virus hoặc vi khuẩn
Số lượng các thành phần này rất nhỏ. Tất cả chúng được thử nghiệm rộng rãi để đảm bảo tính an toàn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các thành phần này từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Vắc-xin được phê duyệt như thế nào?
Vắc-xin phải tuân theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Ở Hoa Kỳ, vắc xin chỉ được Cơ quan Thực phẩm và Cục Quản lý Dược (FDA) phê duyệt sau khi nghiên cứu toàn diện. Thử nghiệm bắt đầu với động vật và các nhóm nhỏ tình nguyện viên. Sau đó, vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng với hàng ngàn tình nguyện viên. Nếu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin là an toàn và hiệu quả, sẽ có thêm một vài nghiên cứu an toàn khác. Sau đó các chuyên gia về vắc xin họp để đánh giá các kết quả thử nghiệm. Sau khi vắc-xin được FDA cấp phép, một Ủy ban được gọi là Ủy ban Tư vấn về Tiêm chủng Thực hành (ACIP) tại CDC đưa ra khuyến cáo tối ưu để sử dụng vắc-xin nhằm kiểm soát bệnh tật. Khuyến cáo này sẽ được Giám đốc CDC xem xét và phê duyệt.
VẮC-XIN VÀ THAI KỲ
Làm thế nào để việc tiêm chủng trong thai kỳ bảo vệ được thai nhi?
Vắc xin giúp cơ thể tạo ra kháng thể. Kháng thể là những protein có khả năng nhận diện vi khuẩn và virút ngăn chúng xâm nhập vào tế bào và gây bệnh. Sau khi bạn tiêm vắc-xin trong khi mang thai và cơ thể bạn tạo ra kháng thể, một số kháng thể truyền vào bào thai. Điều này có nghĩa là bé sẽ có kháng thể để bảo vệ chống lại bệnh tật sau khi sinh.
Kháng thể là một phản ứng an toàn, bình thường đối với vắc-xin. Chúng bảo vệ con bạn trong những tháng đầu đời cho đến khi bé có thể được chủng ngừa.
Những loại vắc-xin nào có thể được tiêm trong thời gian mang thai?
Tiêm vắc xin cúm, ho gà, COVID-19, virus hô hấp hợp bào (RSV), viêm gan,
viêm phổi và một số loại viêm màng não trong thời gian mang thai là an toàn.
Nên tiêm những loại vắc-xin nào mỗi lần mang thai?
Hai loại vắc xin được khuyến cáo trong mỗi lần mang thai:
- Vắc-xin Tdap: Vvắc xin này bảo vệ chống lại ho gà. Vắc-xin Tdap được khuyến cáo
từ tuần thứ 27 đến tuần thứ 36 của thai kỳ. - Vắc-xin cúm: Cúm có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn trong thai kỳ. Bạn nên tiêm ngừa cúm nếu bạn đang mang thai trong mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 5), tốt nhất là tiêm vào đầu mùa cúm.
Các loại vắc xin khác được khuyên dùng khi mang thai?
• Vắc xin RSV: Vắc xin RSV của Pfizer là được khuyên dùng nếu bạn đang mang thai từ 32 đến 36 tuần từ tháng 9 đến tháng 1. RSV là một loại virút theo mùa mà có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
• Vắc-xin ngừa viêm gan, viêm phổi và một số bệnh viêm màng não: Những loại vắc-xin này có thể được khuyến cáo dựa trên nguy cơ mắc bệnh. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những vắc-xin mà bạn đã tiêm trước đây. Bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm ngừa dựa trên bệnh sử và nghề nghiệp.
Những loại vắc-xin nào không nên dùng trong thai kỳ?
Một số loại vắc-xin không nên tiêm khi mang thai vì chúng chứa virút sống, giảm độc lực. Những loại vắc xin phụ nữ không nên tiêm trong thời gian mang thai bao gồm
• Vắc xin cúm sống, giảm độc lực được dùng dưới dạng thuốc xịt mũi (nhưng tiêm phòng cúm vẫn an toàn)
• Vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR)
• Vắc-xin thủy đậu.
Ngoài ra, vắc-xin ngừa HPV là không phải là vắc-xin sống, giảm độc lực, nhưng vẫn không nên dùng trong thai kỳ.
TÍNH AN TOÀN VẮC-XIN
Vắc-xin có an toàn cho tôi và con tôi không?
Có, vắc-xin an toàn cho cả mẹ và con. Trong thực tế, tiêm chủng là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe cho bạn và con bạn. Hãy nhớ rằng vắc-xin đã được đảm bảo an toàn cho hàng triệu phụ nữ mang thai trong hơn 50 năm.
Có thủy ngân trong vắc-xin không?
Có một lượng nhỏ thủy ngân (còn gọi là thimerosal) trong một số ít vắc-xin. Nó an toàn
và không gây hại khi trong thai kỳ. Nhưng nó hiện không còn được sử dụng trong hầu hết các loại vắc-xin mới nhờ công nghệ mới.
Thimerosal an toàn vì sử dụng một loại thủy ngân gọi là ethylmercury. Điều này khác với loại thủy ngân có trong cá. Ethylmercury là một muối không độc hại và nó sẽ được đào thải khỏi cơ thể một cách tự nhiên sau khi tiêm vắc-xin.
Thimerosal được sử dụng chủ yếu trong các lọ vắc-xin đa liều. Điều này có nghĩa là lọ vắc-xin được tiêm cho nhiều người. Lọ có hơn một liều cần phải được giữ nguyên chất. Thimerosal giúp ngăn chặn vi trùng phát triển trong lọ đa liều. Nhưng hầu hết các loại Vắc-xin mới đều đơn liều, đó là lý do tại sao thimerosal không được sử dụng nhiều nữa.
Vắc-xin có tác dụng phụ không?
Một số người không gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng vắc-xin. Những người khác có tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như đau cánh tay hoặc sốt nhẹ, sẽ hết trong vòng một hoặc hai ngày. Tác dụng phụ và phản ứng nghiêm trọng rất hiếm. CDC giám sát các phản ứng đối với tất cả các loại vắc-xin được dùng ở Hoa Kỳ.
Khi tiêm vắc-xin, bạn sẽ nhận được thông tin liệt kê các tác dụng phụ có thể xảy ra liên quan với vắc-xin đó. Nếu bạn đã từng có phản ứng với một vắc-xin, hoặc nếu bạn lo ngại về tác dụng phụ, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Nguồn: https://www.acog.org/womens-health/faqs/vaccine-safety-during-pregnancy