Trang chủ » Tin tức » Truyền thông giáo dục sức khỏe » Sốt xuất huyết - Sốt rét » Chủ động phòng chống bệnh sốt rét

Chủ động phòng chống bệnh sốt rét

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT

Bệnh Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Sốt rét ký sinh trong máu người bệnh gây nên. Bệnh lây chủ yếu do muỗi A-nô-phen (thường gọi là muỗi đòn xóc) truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt. Mọi người đều có thể mắc bệnh nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có Sốt rét lưu hành và bị muỗi A-nô-phen đốt.

Các biểu hiện của bệnh Sốt rét:

Khi mắc bệnh, người bệnh ban đầu cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau các xương khớp sau đó thấy ớn lạnh, rét run, mặt tím tái, hai hàm răng va đập vào nhau, đắp nhiều chăn, sưởi lửa vẫn không thấy đỡ rét. Cơn rét run này thường kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ.

Sau cơn rét, nhiệt độ cơ thể tăng cao và chuyển sang sốt, nhiệt độ cơ thể từ 39 – 400C. Người bệnh có thể mê sảng, mệt mỏi li bì, trẻ em có thể co giật, đôi khi kèm theo nôn mửa. Sau cùng là vã mồ hôi, người bớt nóng dần, cảm thấy khát nước, mệt mỏi, đau đầu. Cơn sốt nóng này kéo dài từ 1 đến 2 giờ, theo chu kỳ 1 ngày 1 lần hoặc cách ngày hoặc đôi khi 3 ngày lên 1 cơn.

Với người mắc Sốt rét nhiều lần, các triệu chứng thường nhẹ và dễ nhầm là đã khỏi bệnh nên không điều trị. Điều này rất nguy hiểm, vì người bệnh có thể trở thành nguồn lây cho gia đình và những người xung quanh.

Trường hợp sốt kéo dài, bệnh ngày càng nặng, nôn mửa nhiều, không ăn uống, tiểu ít hoặc nói nhảm hoặc lú lẫn rồi dẫn đến hôn mê… Cần phải được cấp cứu khẩn cấp, tránh dẫn tới tử vong.

Bệnh Sốt rét được chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng đủ thuốc và không bị muỗi truyền bệnh đốt lại. Nếu người bệnh không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện lại các triệu chứng Sốt rét từ đó gây ra Sốt rét kháng thuốc (nhờn thuốc).

Do đó, khi thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh Sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh Sốt rét:

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh Sốt rét, vì vậy biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt vẫn là biện pháp chủ yếu và hiệu quả nhất. Các phương pháp chính cụ thể như sau:

  • Diệt muỗi và ngăn muỗi đẻ trứng: Dùng vợt, lồng bắt muỗi; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước; vệ sinh nhà ở sạch sẽ, ngăn nắp và thoáng để tránh muỗi trú ẩn trong nhà; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các hốc nước tự nhiên (hốc tre, bẹ lá, mảnh chai, …), khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà từ 50-100m; vệ sinh chuồng gia súc sạch sẽ.
  • Diệt loăng quăng/bọ gậy: Súc rửa hồ, lu, khạp đựng nước; lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…
  • Tránh muỗi đốt: Ngủ màn ở nhà, trên nương, rẫy, đi rừng, …; mặc quần áo dài tay khi làm việc ban đêm, sáng sớm; thoa kem xua muỗi; đốt nhang muỗi; dùng cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa. Tích cực phối hợp cùng ngành Y tế trong các đợt tẩm màn, rèm bằng hóa chất hoặc phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi trên tường, vách trong nhà.

Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *