Trang chủ » Tin tức » Chuyên mục sức khỏe » HIV - Giang Mai - Viêm Gan B » PHỤ NỮ MANG THAI CẦN XÉT NGHIỆM HIV ĐỂ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

PHỤ NỮ MANG THAI CẦN XÉT NGHIỆM HIV ĐỂ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, nó nhắm vào hệ thống miễn dịch và làm suy yếu khả năng phòng thủ của hệ thống này ở con người dẫn tới những người bị nhiễm bệnh dần dần bị suy giảm miễn dịch. Giai đoạn tiến triển nhất của nhiễm HIV là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), có thể mất nhiều năm để phát triển nếu không được điều trị, tùy thuộc vào từng cá nhân. AIDS được định nghĩa bởi sự phát triển của một số bệnh ung thư, nhiễm trùng hoặc các biểu hiện lâm sàng dài hạn nghiêm trọng khác.

HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe lớn đối với cộng đồng trên thế giới và đã cướp đi sinh mạng của 36,3 triệu [27,2–47,8 triệu] cho đến nay. Ước tính có khoảng 37,7 triệu [30,2–45,1 triệu] người sống chung với HIV vào cuối năm 2020, hơn 2/3 trong số đó (25,4 triệu) ở Khu vực Châu Phi. Năm 2020, 680.000 [480.000–1,0 triệu] người chết vì các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,5 triệu [1,0–2,0 triệu] người nhiễm HIV.

Không có cách nào chữa khỏi bệnh cho người bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, với việc ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc HIV hiệu quả thì việc nhiễm HIV đã trở thành một tình trạng sức khỏe mãn tính có thể kiểm soát được, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài. Các phương pháp tiếp cận chính để phòng chống HIV thường được sử dụng kết hợp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất bao gồm:

-Sử dụng bao cao su;

-Xét nghiệm và tư vấn về HIV và STIs (bệnh lây truyền qua đường tình dục);

-Xét nghiệm và tư vấn về mối liên hệ với chăm sóc bệnh lao (TB);

-Cắt bao quy đầu; -Sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng;

-Giảm tác hại cho người tiêm chích và sử dụng ma tuý;

-Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ – Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con

Thực hiện “dự phòng từ xa” để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang thai nhi và trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cách tiếp cận ABC – một chiến lược dự phòng ban đầu lây nhiễm HIV thông qua tăng cường và hỗ trợ các hành vi tình dục an toàn.

A = Abstain – Kiêng quan hệ tình dục

B = Be faithful – Chung thủy với một bạn tình

C = Condom – Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục

Biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nam và nữ trong độ tuổi sinh đẻ

– Không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân.

– Chung thủy một vợ, một chồng; không quan hệ tình dục với nhiều người.

– Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

– Đến phòng tư vấn hoặc các cơ sở y tế để tìm hiểu các thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV và phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

– Nếu vợ hoặc chồng đã nhiễm HIV cần đến ngay Phòng khám ngoại trú người lớn, phòng tư vấn sức khỏe để được điều trị sớm bằng thuốc ARV nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cho vợ hoặc chồng.

Phòng tránh thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV

Phụ nữ nhiễm HIV hãy cùng chồng hoặc bạn tình đến Phòng khám ngoại trú người lớn hoặc phòng tư vấn sức khỏe hoặc các cơ sở sản khoa để được:

– Tư vấn và tự quyết định về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và kế hoạch hóa gia đình.

– Hướng dẫn các biện pháp tránh thai khi phụ nữ nhiễm HIV không muốn mang thai, như sử dụng bao cao su, các loại thuốc tránh thai, dụng cụ tránh thai hoặc triệt sản nam, nữ.

– Tư vấn và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

– Giới thiệu đến các cơ sở chăm sóc và điều trị và hỗ trợ thích hợp.

Tầm quan trọng của thực hiện xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai

Xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng:

– Giúp phụ nữ mang thai chưa nhiễm HIV tiếp cận các thông tin về HIV, xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và thực hiện các hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho mình và cho con, chăm sóc thai nghén đầy đủ.

– Giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV tự quyết định các vấn đề về sinh con, thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiếp cận được những cơ sở dịch vụ khi có nhu cầu, nhất là về y tế và hỗ trợ về mặt tình cảm, tâm lý (giúp phụ nữ mang thai ổn định tinh thần, xây dựng nội lực để vượt qua khủng hoảng, vượt qua được sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, tự quyết và tự tin trong cuộc sống).

Nguồn: HCDC

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *