Căng sữa sau sanh là tình trạng mà hầu hết các sản phụ đều phải trải qua. Đó là tình trạng phù nề mô tuyến sữa, gây cảm giác căng tức, đau và nóng ngực.
Nguyên nhân gây tuyến vú căng sữa
Sự căng sữa là kết quả của việc tăng lượng sữa cũng như lượng máu ở vú. Lúc này, hoocmon tạo sữa tăng nhanh nhưng hoocmon co bóp tuyến sữa để đẩy dòng sữa lưu thông và giải phóng ra ngoài qua núm vú chưa sản xuất đủ, làm sữa ứ đọng, không đẩy ra ngoài được, dẫn đến hiện tượng căng tức sữa.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân dưới đây cũng có thể là lý do gây tuyến vú căng sữa, bao gồm:
- Trẻ bỏ lỡ cữ bú.
- Bỏ qua một lượt hút sữa.
- Bé cai sữa sớm.
- Trẻ gặp khó khăn với việc ngậm và bú.
- Bắt đầu cho uống thêm sữa công thức giữa các lần cho bú nên có thể làm giảm lượng bú sữa mẹ của bé.
Triệu chứng tuyến vú căng sữa
Thời gian xuất hiện các triệu chứng căng sữa ở mỗi mẹ bỉm sẽ khác nhau. Nhiều sản phụ sẽ xuất hiện triệu chứng trong vòng 3 – 5 ngày sau khi sanh. Một số sẽ gặp sau 15 ngày và cũng có những người không phải đối mặt với hiện tượng này.
Các dấu hiệu được liệt kê dưới đây:
- Ngực bị cứng, đau nhức, sưng một bên vú hoặc có thể xảy ra ở hai bên. Nếu bị căng sữa nặng, bầu ngực sẽ sưng rất to, nóng rát, cảm giác hơi sần sùi và ấm khi sờ do các cục sữa vón cục gây nên.
- Các hạch bạch huyết ở vùng nách bị sưng lên.
- Mẹ có thể bị sốt và mệt mỏi, được gọi là “sốt sữa”
Có thể, căng tuyến sữa sẽ khiến mẹ rất khó chịu và trở nên gay gắt. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ giảm dần vào khoảng 2 – 3 tuần sau sanh. Ngực của mẹ sẽ trở nên mềm hơn và sữa cũng tiết ra đều hơn.
Tình trạng tuyến vú căng sữa có thể gây cho mẹ cảm giác khó chịu ở bầu vú
Làm thế nào để làm giảm tình trạng tuyến vú căng sữa?
Dưới đây là một số cách mà mẹ có thể thực hiện để làm giảm tình trạng vú căng sữa:
- Cho bé bú thường xuyên: mẹ nên cho bé bú 2 – 3 giờ/lần cả ngày và đêm, mỗi bên bú ít nhất 20 phút để đảm bảo sữa trong ngực được bú cạn. Chỉ nên cho bé bú một bên trong suốt một cữ bú, sau đó mới bắt đầu cho bú bên đối diện ở lần tiếp theo.
- Có thể vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa để hỗ trợ trong việc giảm bớt lượng sữa trong ngực của mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý về thời gian hút sữa. Nếu sữa nhiều, mẹ chỉ nên hút đến khi hết căng tức, không nên hút quá lâu vì hút càng nhiều thì sữa càng về nhiều và nếu bé bú không hết lại dễ dẫn đến căng tức sữa và phải phụ thuộc vào máy hút nhiều hơn. Nhưng nếu mẹ ít sữa thì nên hút trong khoảng 20 – 30 phút mỗi cữ để kích sữa về đủ để đáp ứng nhu cầu bú cho bé.
- Xoa bóp vú nhẹ nhàng theo hướng từ trên xuống trong khi bé bú để giúp kích thích đẩy nhiều sữa hơn, giúp giảm căng tức sữa.
- Sau mỗi lần cho con bú, dùng một miếng gạc hoặc khăn ấm lên vú và bắt đầu massage ngực từ bên dưới cánh tay và dưới núm vú để giúp giảm đau, sưng tấy.
- Chườm nóng: dùng khăn ấm rồi đắp lên bầu ngực hoặc mẹ có thể xông hơi ngực với nước nóng để giúp làm mềm núm vú và sữa chảy dễ dàng hơn, để sữa không bị ứ đọng gây căng vú.
- Chườm lạnh: bên cạnh chườm nóng, chườm lạnh cũng giúp làm giảm cơn đau do căng tức sữa, hãy dùng khăn lạnh đắp lên ngực trong vòng 10 phút trước và sau khi cho bé bú. Mẹ có thể dùng đá bào bỏ trong túi nhựa hoặc một miếng vải mỏng hay thậm chí mẹ có thể lấy lá bắp cải ướp lạnh rồi chườm.
- Bên cạnh đó, quần áo chật cũng sẽ làm tăng thêm cảm giác đau và khó chịu. Thay vì mặc những loại đồ không co giãn, mẹ nên mặc áo rộng rãi thoải mái, không có gọng, chất liệu mềm mại để không gây cọ xát nhiều lên bầu ngực đang căng sữa.
Khi nào cần đến bác sĩ?
Nếu tình trạng căng sữa kéo dài, không thuyên giảm, cộng thêm sốt cao hay còn gọi là “sốt sữa” kèm theo những triệu chứng mệt mỏi thì mẹ nên đi khám để phòng ngừa hiện tượng căng tức sữa, tắc sữa và nguy hiểm hơn là áp xe vú.
Ví dụ: Nếu sữa bị kẹt trong vú sẽ gây viêm mô vú, tụ mủ trong ống dẫn sữa, gây nhiễm trùng và tắc sữa dẫn đến mẹ sẽ mắc bệnh viêm vú.