Trang chủ » Kiến Thức Y Khoa » Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ

Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Bảo Vân, hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản MêKông. Bác sĩ Trần Thị Bảo Vân có trên 12 năm kinh nghiệm chuyên môn.

Đái tháo đường thai kỳ

Mang thai là một hành trình kỳ diệu và đầy thách thức, nơi mỗi bước đi đều đòi hỏi sự chú ý và chăm sóc đặc biệt. Trong suốt quá trình này, sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ. Đái tháo đường thai kỳ là một trong những bệnh lý phổ biến mà nhiều phụ nữ mang thai có thể gặp phải, gây ra nhiều lo lắng và thách thức. Hiểu rõ về tình trạng này và biết cách ứng phó kịp thời là chìa khóa để đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.

Định nghĩa đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ

  • Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng đường huyết cao xuất hiện trong thai kỳ và thường biến mất sau sanh.
  • Tình trạng bệnh lý này có thể xảy ra bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, thường phổ biến trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc tam cá nguyệt thứ 3.
  • Tình trạng bệnh lý này do cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin, 1 hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu hỗ trợ cho nhu cầu cơ thể trong thai kỳ.
  • Đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp cho sản phụ và thai nhi trong suốt thai kỳ và sau sanh. Các biến chứng này có thể kiểm soát được nếu tầm soát đái tháo đường thai kỳ sớm và điều chỉnh sớm.

Nguy cơ mắc Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ
Phụ nữ tuổi trên 40 có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ

Bất kỳ sản phụ nào cũng có thể bị đái tháo đường trong thai kỳ, nguy cơ càng tăng cao với các đối tượng sau:

  • Tuổi trên 40.
  • Chỉ số BMI trên 30.
  • Có lần sanh con to trước đây (trên 4.5kg), hoặc đa sản.
  • Có tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước đây.
  • Có tiền sử gia đình (ba mẹ hoặc anh chị em) có đái thái đường.
  • Chủng tộc: Nam Á, Châu Phi, Trung Đông…

Có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?

Triệu chứng cơ năng

Đái tháo đường thai kỳ

Thường không biểu hiện triệu chứng, phần lớn các trường hợp phát hiện qua xét nghiệm dung nạp đường định kỳ trong quá trình khám thai.

Tuy nhiên một số trường hợp có biểu hiện khi lượng đường trong máu quá cao.

  • Khát nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Khô miệng
  • Mệt mỏi nhiều
  • Nhìn mờ
  • Viêm nhiễm phụ khoa

Biến chứng trong thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ

  • Thai nhi:

+ Con to, nguy cơ sanh khó, phải sanh giúp hoặc sanh mổ

+ Đa ối, nguy cơ sanh non

+ Sanh non

+ Tiền sản giật

+ Thai nhi bị hạ đường huyết sau sanh, vàng da vàng mắt cần can thiệp điều trị sau sanh

+ Thai chết lưu

  • Sản phụ: tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 về sau.

Phương pháp tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ

  • Thường quy thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường ở thời điểm thai kỳ 24 -28 tuần.
  • Nghiệm pháp dung nạp đường: 3 thời điểm

+ Đường huyết đói: Đường huyết lúc sáng sớm (sau khi nhịn ăn đủ 8 giờ). Sau đó thai phụ uống 75g đường trong 15 phút.

+ Đường huyết 1 giờ sau uống đường

+ Đường huyết 2 giờ sau uống đường.

  • Kết quả xét nghiệm dung nạp đường dương tính: 1 trong 3 chỉ số cao

+ Glucose lần 1 (Lúc đói) ≥ 5.3 mmol/L

+ Glucose lần 2 (sau 1 h) ≥ 10.1 mmol/L

+ Glucose lần 3 (sau 2 h) ≥ 8.6 mmol/L

Nếu thai phụ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ (8-12 tuần) có thể thực hiện xét nghiệm dung nạp đường ở thời điểm sớm hơn.

Phương pháp điều trị

Đái tháo đường thai kỳ
Tổng hợp phương pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ
  • Thay đổi chế độ ăn, tập thể dục nhẹ nhàng ví dụ như đi bộ, bơi lội, tập yoga bầu
  • Khi việc tiết chế ăn uống và tập thể dục nhẹ nhàng không hiệu quả, cần thiết phải sử dụng thuốc (Insulin) giúp ổn định đường huyết.
  • Cần theo dõi sát thai kỳ và lúc sanh để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra
  • Cần chấm dứt thai kỳ trước 39 tuần: khỏi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai nên được khuyến cáo.
  • Nếu thai kỳ có nguy cơ cao hoặc tình trạng thai phụ và sức khỏe thai nhi có vấn đề nên cân nhắc chấm dứt thai kỳ sớm.
  • Dự phòng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường trong những lần mang thai kế hoặc nguy cơ đái thường type 2 về sau:

+ Nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra đường huyết 6-13 tuần sau sanh và 1 năm 1 lần nếu kết quả xét nghiệm bình thường

+ Nếu sản phụ có triệu chứng tăng đường huyết (khát nhiều, tiểu nhiều, khô miệng) đi khám chuyên khoa nội tiết sớm.

+ Duy trì lối sống lành mạnh: chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thường xuyên.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai phụ như thế nào?

Một số câu hỏi liên quan đến đái tháo đường thai kỳ

Bị đái tháo đường thai kỳ có uống sữa bầu được không?

Khi mang thai, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng là rất quan trọng. Thai phụ nên bổ sung đủ 4 nhóm chất thiết yếu thông qua các loại thực phẩm hàng ngày. Ngoài ra, việc uống 2-3 ly sữa (khoảng 400-600ml) mỗi ngày cũng rất có lợi cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Đối với những mẹ bầu bị đái tháo đường, việc chọn loại sữa phù hợp là điều cần lưu ý. Nên ưu tiên chọn sữa không đường để tránh tình trạng tăng đường huyết, giúp kiểm soát tốt hơn mức đường trong máu.

Mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có sinh thường được không?

Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ vẫn có thể sinh thường nếu thai nhi có cân nặng không quá lớn, thường là dưới 4kg. Khi thai nhi có trọng lượng lớn hơn, đặc biệt là trên 4kg, các bác sĩ thường khuyến cáo nên sinh mổ. Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ và bé trong quá trình sinh nở, giảm nguy cơ biến chứng và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối. Điều quan trọng là phải theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để chọn phương pháp sinh phù hợp nhất.

Đái tháo đường thai kỳ là một yếu tố nguy cơ đáng kể, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như tiền sản giật, sản giật, và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ mà còn có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho thai nhi. Chính vì vậy, việc theo dõi thai kỳ một cách cẩn thận và liên tục là vô cùng quan trọng.

Mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được các chuyên gia y tế theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe. Việc này giúp phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, trong đó có đái tháo đường thai kỳ, để có thể áp dụng phác đồ điều trị kịp thời và hiệu quả. Bằng cách này, mẹ bầu có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và đảm bảo sự phát triển an toàn cho thai nhi. Theo dõi và chăm sóc thai kỳ đúng cách không chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiện tại mà còn là nền tảng cho một tương lai khỏe mạnh cho cả mẹ và con.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *