DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON
Viêm gan B, Giang Mai, HIV là 03 bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ mẹ sang con ngay từ khi mang thai. Can thiệp quan trọng nhất trong phòng bệnh là phụ nữ mang thai phải được xét nghiệm sàng lọc khi có thai càng sớm càng tốt để được tiếp cận điều trị sớm, giảm thiểu lây truyền cho con, góp phần xây dựng một nền tảng sức khỏe bền vững cho con trẻ sau này.
Nguồn: Bộ Y tế
Bác sĩ Trần Nguyễn Thu Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng đã có chia sẻ về cách phòng tránh các bệnh lây từ mẹ sang con.
Cần hiểu rõ, bệnh lây từ mẹ sang con không phải là những bệnh di truyền (truyền từ đời này sang đời khác) mà đó là các bệnh cha mẹ mắc phải trong cuộc sống và có nguy cơ lây truyền sang con, đặc biệt là người mẹ.
Có nhiều bệnh lây truyền từ mẹ sang con như qua nhau thai hoặc qua đường máu khi thai còn trong bụng mẹ, có thể qua tiếp xúc dịch cơ thể mẹ trong chuyển dạ hoặc qua sữa mẹ sau sinh.
Hằng năm, trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn còn số lượng không nhỏ trẻ sinh ra bị nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai bị nhiễm bệnh và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
Ví dụ, hằng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, tức mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140- 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.
Tuy nhiên, can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 2%.
Vậy, để bảo vệ con khỏi các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ và gia đình:
1. Xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ
Cả 3 bệnh kể trên đều cần sàng lọc phát hiện mẹ mắc bệnh sớm trong khi có thai, tốt nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Có sàng lọc mới phát hiện sớm bệnh để áp dụng các can thiệp điều trị dự phòng đem lại hiệu quả cao nhất là giảm lây truyền cho con.
Chẳng hạn mẹ nhiễm HIV sẽ bắt đầu điều trị từ tháng thứ 4 của thai kỳ bằng thuốc kháng virus đặc hiệu.
Mẹ nhiễm viêm gan B thì tùy tải lượng virus trong máu, thầy thuốc chỉ định điều trị thuốc kháng virus ngay hay trì hoãn, theo dõi. Bác sĩ cúng ẽ hướng dẫn lựa chọn cơ sở y tế thích hợp để sinh, đảm bảo cho con được tiêm ngay kháng huyết thanh virus trong vòng 24 giờ sau sinh đồng thời tiêm vaccine viêm gan B (kháng huyết thanh virus viêm gan B không có sẵn tại các cơ sở y tế).
Mẹ nhiễm giang mai thì điều trị ngay để phòng các biến chứng sớm như sẩy thai, thai tử lưu có thể xảy ra từ tháng thứ 5 của thai kỳ hoặc trẻ mắc giamg mai bẩm sinh.
2. Chăm sóc, theo dõi trẻ sau sinh hợp lý từ mẹ có bệnh
Với mẹ nhiễm HIV: Khuyến cáo không nuôi con bằng sữa mẹ, trừ trường hợp không đủ điều kiện nuôi trẻ bằng sữa nhân tạo, những trường hợp đặc biệt cần cân nhắc giữa nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ và lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nếu nuôi con bằng sữa thay thế sữa mẹ thì cần cung cấp đủ sữa thay thế trong 6 tháng đầu, có nước sạch, chuẩn bị được bữa ăn thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì mẹ phải được điều trị bằng thuốc kháng vius và tuân thủ điều trị tốt để tải lượng virus đạt dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất dưới ngưỡng phát hiện.
Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú sữa mẹ vừa bú sữa thay thế!
Với mẹ nhiễm virus viêm gan B: Tiêm kháng huyết thanh virus và vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh, tiêm cùng thời điểm ở 2 vị trí khác nhau; cho trẻ bú sữa mẹ; cho trẻ xét nghiệm HBsAg và anti-HBs từ 12 tháng tuổi để xác định tình trạng nhiễm viêm gan B và đáp ứng kháng thể.
Với mẹ nhiễm giang mai: Cho trẻ bú mẹ; khám sàng lọc triệu chứng giang mai bẩm sinh ở trẻ. Nếu trẻ sinh ra bình thường, tùy tiền sử điều trị giang mai của mẹ, thầy thuốc sẽ tư vấn theo dõi và điều trị dự phòng cho trẻ, tuy nhiên trẻ vẫn phải được khám theo dõi nhiều lần cho đến 9 tháng tuổi.
Nguồn: Báo Lao Động